Bệnh Alzheimer là một nguyên nhân của chứng giảm trí nhớ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ, khiến người bệnh gặp trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày. Alzheimer ảnh hưởng đến trí nhớ, ngôn ngữ và tư duy. Bệnh tiến triển chậm và thường bắt đầu với triệu chứng đãng trí nhẹ. Điều trị bệnh Alzheimer vẫn gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều nhà nghiên cứu đã và đang tiến hành nhiều thử nghiệm giúp điều trị căn bệnh này.
Tuy nhiên, một nghiên cứu thú vị và mới lạ về tác dụng của đèn LED hỗ trợ điều trị bệnh ALzheimer chắc chắn sẽ làm bạn bất ngờ. Có lẽ, tất cả chúng ta đều cảm thấy khó chịu trước những ánh đèn nhấp nháy, nhưng đôi khi chính những điều tưởng chừng như không tốt lại có những tác dụng tích cực và đặc biệt là có thể dùng để điều trị một chứng bệnh.
Đèn LED hỗ trợ quá trình điều trị bệnh Alzheimer như thế nào?
Một nghiên cứu mới của Viện Công nghệ Massachusetts cho thấy, amyloid mảng bám, tích lũy protein bị tổn thương giữa các tế bào não, có thể có vai trò phòng ngừa trong đợt bùng phát Alzheimer nếu tiếp xúc với ánh sáng xanh với tần số 40Hz, thấp hơn so với tiêu chuẩn từ 100 đến 120 Hz. Tuy nhiên, tác động của kích thích thị giác có thể khiến sóng não kéo dài làm chức năng não bình thường hơn.
Được biết, nồng độ protein beta-amyloid từ lâu đã được các nhà khoa học phát hiện tích tụ trong não của người bị mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, chính việc tiêu hóa chậm protein này mới là vấn đề của người mắc bệnh Alzheimer hơn là sự tích tụ. Theo phát minh của các nhà khoa học MIT, việc thiết lập đèn LED chớp tắt ở tần số 40Hz giúp thúc đẩy quá trình tẩy xóa protein beta-amyloid bên trong não bộ các chú chuột thử nghiệm trong một khoảng thời gian ngắn. Về cơ bản, việc dùng ánh đèn LED nhấp nháy theo giải thích của MIT chính là quá trình kích thích các dao động gamma bên trong não, vốn bị suy yếu đi trên người mắc bệnh Alzheimer. Dao động gamma một khi bị kích thích bởi đèn LED chớp tắt ở tần số 40Hz sẽ biến đổi và giúp phục hồi các tế bào miễn dịch gọi là tiểu thần kinh đệm vốn có chức năng đẩy lùi sự hình thành mảng bám (các protein beta-amyloid).
Nghiên cứu đã được thử nghiệm nhiều lần và thấy rằng sự nhấp nháy của Đèn LED có thể có một số tác động tích cực đối với bệnh Alzheimer, như giảm viêm, tăng cường sự chú ý, trí nhớ và bảo vệ chống lại sự chết của tế bào. Các thử nghiệm này cũng cho thấy nhấp nháy do đèn LED giúp tăng cường chức năng nhận thức ở cả chuột mọi tuổi sinh trưởng. Nếu bạn kết hợp ánh sáng nhấp nháy với các kích thích âm thanh sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.Những nghiên cứu này cũng cho thấy sự cải thiện về trí nhớ ngắn hạn, phát triển nhận thức và trong phần thị giác của não.
Do mới chỉ tiến hành trên chuột, nhóm nghiên cứu vẫn còn một đoạn đường dài để tìm hiểu xem liệu kỹ thuật này có hiệu quả trên những bệnh nhân Alzheimer thực sự. Họ cần phải thực hiện các thí nghiệm bổ sung để xem hiệu quả của phương pháp này có thể kéo dài trong bao lâu. Các nhà khoa học mới chỉ sử dụng nó ở giai đoạn đầu khi hạ thấp mức beta Amyloid trong 24 giờ trên chuột. Các nhà khoa học cũng cần phải kiểm tra xem cách sử dụng kỹ thuật này có quét sạch mảng bám trên não hay không.
Sẽ mất một thời gian dài để biết liệu đây có phải là một cách điều trị khả thi. Nhưng bởi vì các bệnh thoái hóa thần kinh vẫn chưa có thuốc chữa, một phát hiện như thế này có thể sẽ là tia sáng cho những người bị Alzheimer trong tương lai.